Tìm hiểu về ngành công nghệ thông tin

chuyen nganh khoa hoc may tinh cua nganh cong nghe thong tin

Qua mỗi năm, xu hướng về ngành nghề có thể thay đổi, nhưng có một sự thật rằng ngành Công nghệ thông tin sẽ luôn đứng trong hàng top những ngành nghề hot nhất. Với sự phát triển ồ ạt của Internet, các thiết bị hay công nghệ tối tân, và việc con người đang sống trong kỷ nguyên “Cách mạng Công nghiệp” 4.0, nơi những “cỗ máy thông minh” phát huy tối đa vai trò của nó, ngành Công nghệ thông tin chính là nền tảng và là tương lai của nhân loại. Hãy cùng nhau tìm hiểu về ngành nghề này nhé.

Ngành Công nghệ thông tin là gì?

Công nghệ thông tin (tiếng Anh: Information technology hay là IT) là một thuật ngữ chỉ một ngành kỹ thuật sử dụng máy tính, phần mềm, mạng lưới internet… để khai thác, phân phối và xử lý có hiệu quả các nguồn tài nguyên thông tin rất phong phú và tiềm năng trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người và xã hội. Trong các doanh nghiệp, nhân viên IT chính là người đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, truyền dẫn, lưu trữ và xử lý các thông tin, hệ thống và dây chuyền kinh doanh.

Bản thân khái niệm Công nghệ thông tin có nghĩa rất rộng. Nó được chia thành các nhóm ngành nhỏ hơn, chẳng hạn như: khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin, truyền thông và mạng máy tính, đồ họa… Với sự ứng dụng rộng rãi của mình, những Cử nhân tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin có thể làm việc từ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, tập đoàn quốc tế, các tổ chức xã hội… và làm việc cho mọi lĩnh vực khác nhau như kinh tế, y tế, ngân hàng, hàng không, bưu điện, quốc phòng, giáo dục…

nganh cong nghe thong tin
Ngành Công nghệ thông tin là một ngành hot

Đi sâu vào ngành này, các sinh viên sẽ có cơ hội tìm hiểu những kiến thức liên quan đến nghiên cứu, phát triển hệ thống phần mềm; xây dựng, sửa chữa, bảo trì phần cứng; kiến thức về bảo mật hệ thống thông tin… Đồng thời hầu như những trường đào tạo Công nghệ thông tin đều phải đảm bảo cơ hội thực hành cho sinh viên, vì đây là lĩnh vực đặc thù phải “trăm hay không bằng tay quen”. Hiện nay tại Việt Nam, hầu như tất cả các trường từ Dạy nghề, Trung cấp, Cao đẳng, Đại học đều có nhận hồ sơ cho ngành Công nghệ thông tin. Chúng tôi xin điểm danh một số ngôi trường nổi tiếng về lĩnh vực đào tạo này:

    • Miền Bắc: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Đại học Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trường Đại học Giao thông vận tải…
    • Miền Trung: Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông – Đại học Đà Nẵng, Đại học Khoa học – Đại học Huế, Đại học Nha Trang, Đại học Quy Nhơn…
    • Miền Nam: Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc Gia TP.HCM, Đại học Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc Gia TP.HCM, Học viện Bưu chính Viễn thông, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Đại Học Công Nghệ Sài Gòn…
    • Các hệ thống trường tư nhân khác: Đại học FPT, Đại học Hoa Sen, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Công nghệ TP.HCM…

Nên học chuyên ngành nào trong ngành Công nghệ thông tin?

Việc chọn chuyên ngành nào tùy thuộc vào khả năng, định hướng và sở thích của bản thân. Nhìn chung, ngành Công nghệ thông tin sẽ có những chuyên ngành chính với những đặc điểm dưới đây:

Khoa học máy tính (Computer Science)

Đây là ngành học cực hot trong khối STEM được đánh giá là ngành mũi nhọn trong thời đại 4.0. Theo đuổi chuyên ngành này, bạn sẽ được đào tạo những thông tin về lý thuyết, việc ứng dụng các thuật toán vào các chương trình của máy tính, cách xây dựng và quản lý hệ thống. Ngôn ngữ lập trình, thuật toán, mã code, phần mềm… sẽ là những thứ quen thuộc với sinh viên ngành này. Đây cũng được xem như nền tảng nếu sinh viên muốn lấn sân sang những chuyên ngành khác. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, Khoa học máy tính cũng là ngành đang “khát” nhân lực chất lượng cao, đó là cơ hội cũng như thách thức cho các sinh viên theo học ngành này.

Groove Technology cho biết nếu tốt nghiệp Khoa học máy tính, bạn sẽ có thể đảm nhiệm các công việc lập trình phát triển ứng dụng (Applications Developement), lập trình web (Web developer), kỹ sư hệ thống (Systems engineer)… tại nhiều công ty nổi tiếng như Monamedia, FPTsoftware, CMC, TMA Solutions,…

chuyen nganh khoa hoc may tinh cua nganh cong nghe thong tin
Khoa học máy tính

Hệ thống thông tin (Information Systems)

Ngành này còn có cái tên khác như Công nghệ thông tin (Information technology) hoặc quản lý hệ thống (Systems Administration). Về cơ bản, những người làm trong ngành này sẽ kết hợp giữa phần cứng, phần mềm, mạng truyền thông để tạo ra một hệ thống lớn hơn để giải quyết các nhu cầu lớn hơn, như một nhiệm vụ hay yêu cầu từ khách hàng. Đây là những người sẽ trực tiếp làm việc với khách hàng (hoặc cần một kỹ sư cầu nối), tiếp nhận những yêu cầu từ họ để xây dựng hệ thống đáp ứng nhu cầu kinh doanh đó. Với những sinh viên theo học chuyên ngành này, khi ra trường bạn có thể trở thành một Nhà phân tích bảo mật thông tin (Information security analyst), Chuyên gia hỗ trợ máy tính (Computer support specialist), Quản trị viên cơ sở dữ liệu (Database administrator), Quản trị viên hệ thống (Systems administrator)…

Kỹ thuật máy tính (Computer Engineering)

Kỹ thuật máy tính là ngành chuyên về nghiên cứu, thiết kế, xây dựng, cài đặt và bảo trì các các hệ thống phần cứng và những phần mềm phục vụ cho hoạt động của các thiết bị phần cứng đó. Sinh viên theo học ngành Kỹ thuật máy tính sẽ được tiếp xúc về mạch điện tử, vi xử lý, máy tính cá nhân, siêu máy tính… để giải quyết các vấn đề liên quan đến phần cứng máy tính. Thậm chí họ còn có thể sáng tạo ra các loại máy móc để điều kiện hệ thống siêu máy tính. Những nghề nghiệp liên quan đến chuyên ngành này có thể kể đến như lập trình viên di động, kỹ sư điện tử, Kỹ sư đảm nhiệm các công việc về công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp… hay nghiên cứu, giảng dạy về chuyên ngành ở các trường Đại Học và Cao Đẳng.

Mạng máy tính truyền thông (Communications and Computer Networks)

Chương trình đào tạo của Mạng máy tính truyền thông sẽ cung cấp cho sinh viên những kiến thức về nền tảng về Công nghệ thông tin, mạng máy tính cùng những xu hướng trong truyền thông – kỹ thuật số. Môi trường làm việc cho lĩnh vực này rất đa dạng, đồng thời đòi hỏi việc cập nhật và bắt kịp xu hướng cực nhanh. Từ lĩnh vực media (Internet, mạng xã hội, báo điện tử, truyền hình…); giải trí (âm nhạc trực tuyến, game, phim ảnh…); kinh tế (thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến, …), giáo dục (bài giảng điện tử, e-learning…), hành chính (chính phủ điện tử, văn phòng không giấy, …) hay rất nhiều lĩnh vực khác đều cần những chuyên viên thuộc ngành này để xây dựng hệ thống vững chắc. Khi tốt nghiệp ngành này, sinh viên có thể đảm nhiệm các công việc: Kỹ sư phân tích, thiết kế, xây dựng hệ thống mạng thông tin, Chuyên gia quản trị hệ thống mạng thông tin… hoặc làm giảng viên lĩnh vực mạng máy tính và truyền thông ở các trường Đại Học và Cao Đẳng.

Công nghệ phần mềm (Software Engineering)

Đối với những bạn thích lập trình thuần túy, thì đây là chính là lựa chọn phù hợp với bạn. Những thuật ngữ như “ứng dụng”, “chương trình”, “phần mềm”… sẽ theo suốt bạn trong suốt quá trình học. Những sinh viên theo học ngành này sẽ được trang bị các kiến thức về cách thức hoạt động, cách lập trình các phần mềm trên máy tính và thiết bị di động. Những ví dụ căn bản nhất mà bạn có thể bắt gặp xung quanh như hệ điều hành Windows, iOS, Android… hệ thống phần mềm Microsoft Office đến trình duyệt web Chrome, Firefox, Safari hay Facebook, Google cũng do các kỹ sư phần mềm tạo ra. Ngày nay, ngành này đã mở rộng sang lập trình game, và cũng là một lựa chọn vô cùng thú vị.

chuyen nganh phat trien app cua nganh cong nghe thong tin
Kỹ sư phần mềm

An toàn và bảo mật thông tin (Network and Information Security)

Hiện tượng các hacker phá hỏng, thâm nhập hệ thống an toàn thông tin của các doanh nghiệp, hay cao hơn là các hệ thống thông tin của quốc gia gây ra nhiều vấn đề nhức nhối. Nếu như ngoài đời sống, chúng ta có những người cảnh sát làm nhiệm vụ ngăn chặn, lùng bắt và xử lý những vi phạm, thì trên hệ thống máy móc và mạng, những người này còn được xem là “cảnh sát mạng”. Việc của họ là học về những kỹ thuật về mã hóa, xây dựng hệ thống bảo mật, cách phòng chống các cuộc tấn công mạng… nhằm đem lại sự yên bình cho người sử dụng cũng như sự hoạt động an toàn và thông suốt của mạng máy tính. Sinh viên theo học ngành này có thể đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau chẳng hạn như Chuyên viên bảo mật cơ sở dữ liệu, Chuyên viên bảo mật máy chủ và mạng, Chuyên viên thiết kế hệ thống bảo mật thông tin, Chuyên viên kiểm tra – sửa chữa hệ thống bảo mật, Chuyên gia rà soát lỗ hổng và xử lý sự cố an toàn thông tin, Chuyên gia lập trình triển ứng dụng đảm bảo an toàn thông tin, Chuyên gia phân tích mã độc…

Big Data và Machine Learning

Đây là một ngành mới nhưng có thể nói đem lại thu nhập cao nhất trong các nhóm chuyên ngành Công nghệ – thông tin hiện nay. Khi học ngành này, sinh viên sẽ học những thứ xoay quanh về dữ liệu, từ đơn giản đến phức tạp, từ nhỏ bé cho đến khổng lồ đến mức các phần mềm xử lý dữ liệu truyền thống không có khả năng thu thập, quản lý và xử lý trong một khoảng thời gian nhất định. Đó cũng là công việc của những chuyên viên về Big Data & Machine Learning, đưa ra các giải pháp xử lý nguồn dữ liệu lớn một cách hiệu quả nhất nhằm phát triển các chiến lược kinh doanh. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế đây là công việc không hề đơn giản, vì nó đòi hỏi phải có sự am hiểu về khả năng sử dụng máy móc và xử lý dữ liệu tốt. Do đó, không ngạc nhiên khi các doanh nghiệp sẵn sàng chi mức lương 1500 USD/tháng cho những nhân lực chuyên về Big Data và Machine Learning.

Ngành Công nghệ thông tin không bao giờ “lỗi thời”

Covid-19 là một sự ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam, nhưng nó cũng thể hiện sự vươn lên của một số ngành nghề, trong đó không thể không kể đến ngành Công nghệ thông tin. Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), rất nhiều thí sinh đăng ký vào trường đều chọn ngành Công nghệ thông tin, tăng lên khoảng 10 – 15% so với năm ngoái. Bởi vì đây chính là nền tảng của xã hội khi mọi ngành nghề khác, đặc biệt những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 như Nhà hàng – khách sạn, Du lịch, Hàng không… đều phụ thuộc vào Công nghệ thông tin.

xu huong cua nganh cong nghe thong tin
Ngành Công nghệ – thông tin là xu hướng trong Cách mạng công nghiệp 4.0

Đặc biệt cuộc cách mạng công nghiệp “Kỷ nguyên số 4.0” có sự chuyển mình lớn hứa hẹn về cuộc “đổi đời” của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Bên cạnh những cơ hội, nó cũng tạo ra vô vàn thách thức khi có thể phá vỡ thị trường lao động bởi những cỗ máy thông minh có thể thay thế con người. Duy chỉ có những chuyên viên phát triển công nghệ lại càng được săn đón khi họ chính là người có thể giúp doanh nghiệp làm chủ máy móc, làm chủ công nghệ cũng như làm chủ cuộc chơi.

Với triển vọng vô cùng lớn, ngành Công nghệ thông tin chính là lựa chọn dành cho những ai muốn tiếp cận xu hướng mới. Để theo đuổi tốt lĩnh vực này, các bạn cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về chuyên ngành và niềm đam mê học hỏi.

>>> Xem thêm: Chương trình đào tạo trung cấp ngành công nghệ thông tin tại trường Trung cấp Phương Nam Đắk Nông

Theo dõi Fanpage của diễn đàn Tuyển sinh Trung cấp Phương Nam tại đây